Để ổn định thị trường xăng dầu trong nước, thời gian qua Bộ Công Thương đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó có kiến nghị sửa Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu. Bộ này cũng đã có văn bản hỏa tốc gửi các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố liên quan đến việc sửa đổi quy định về kinh doanh xăng dầu.
Cùng với đó, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp rà soát và đưa ra một số vấn đề cần đề xuất, sửa đổi. Trong đó có vấn đề về chu kỳ điều hành giá xăng dầu, việc quy định chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu, đại lý bán lẻ xăng dầu được lấy hàng từ nhiều nguồn…
Doanh nghiệp chỉ ra bất cập
Đại diện Chi hội Xăng dầu, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) cho rằng, Nghị định 95 đã thể hiện nhiều bất cập trong thực tế điều hành thị trường xăng dầu. Cụ thể, công thức tính giá cơ sở bị đóng khung và tự làm khó cơ quan quản lý khi quy định chi phí xăng dầu tư nước ngoài về cảng Việt Nam 6 tháng mới điều chỉnh một lần, do đó cần thay đổi theo hướng mỗi tháng điều chỉnh 1 lần; Chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức do Bộ Tài chính xác định và thông báo hàng năm để Bộ Công Thương áp dụng trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu, nay cần đổi 1 tháng 1 lần.
“Mục tiêu xây dựng Nghị định mới thay thế Nghị định số 95/2021/NĐ-CP phải bảo đảm kinh doanh xăng dầu vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, phát huy quyền tự chủ kinh doanh của DN theo quy định của pháp luật, đồng thời bảo đảm thực hiện tốt vai trò kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước, hài hòa lợi ích của người tiêu dùng, DN và Nhà nước”, vị này đề xuất.
Liên quan đến chu kỳ điều hành xăng dầu, đại diện 1 DN kinh doanh xăng dầu khu vực Hà Nội góp ý, do xăng dầu là mặt hàng tiêu dùng hàng ngày lại liên tục chịu biến động của giá thế giới. Chỉ số giá tiêu dùng trong nước, tăng tưởng kinh tế, chỉ số lạm phát đều bị chi phối bởi nhu cầu và giá xăng dầu, do đó nếu điều chỉnh chu kỳ điều hành ngắn hơn nữa, từ 10 ngày xuống 5 ngày hay 3 ngày vẫn chưa đạt, thậm chí phải điều chỉnh hàng ngày, hàng giờ.
“Nếu ấn định thời gian cụ thể cho chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu càng ngắn sẽ không có cơ quan nào theo kịp với diễn biến của thị trường. Do đó, cơ quan điều hành nên quy định chu kỳ trong một thời gian, nhưng để các DN tự vận hành trong khuôn khổ nhất định, cũng như ấn định mức giá trần sẽ hợp lý hơn”, vị đại diện DN này đề xuất.
Cũng theo vị đại diện DN, trong cơ cấu giá xăng dầu có khoản Premium gồm chi phí định mức và lợi nhuận định mức cho DN kinh doanh xăng dầu từ đầu đến cuối chuỗi, bao gồm 4 nấc: Đơn vị nhập khẩu – nguồn cung trong nước – DN kinh doanh đầu mối và thương nhân phân phối, cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Trong kỳ điều hành giá ngày 11/11 vừa qua, liên Bộ có điều chỉnh tăng thêm 160 đồng/lít, cộng với mức cũ khoảng 1.200 đồng/lít nên hiện nay chi phí định mức đang là 1.360 đồng/lít cho cả 4 nấc này.
Song theo các DN, chi phí định mức đối với cửa hàng bán lẻ xăng dầu hiện nay phải xấp xỉ 2.000 đồng/lít mới bảo đảm DN có lãi ở mức 500 – 600 đồng/lít tùy từng thời giá, còn lại khoảng 1.500 là chi phí định mức của các cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Do đó, nếu chi phí định mức toàn bộ chuỗi chỉ có 1.360 đồng là chưa tính đúng, tính đủ cũng là cốt lõi khiến đứt gãy nguồn cung, xăng dầu khan hiếm vừa qua.
DN muốn tự chủ hạch toán kinh doanh
Ngoài ra, đại diện các DN cho rằng, quy định đại lý xăng dầu chỉ được lấy từ 1 nguồn rất bất cập, vi phạm quy định của Luật Cạnh tranh, chống độc quyền. Trong trong nguyên tắc thị trường, không thể quy định độc quyền đầu vào, nếu chỉ lấy xăng dầu của 1 đầu mối họ cho gì được nhận nấy, chiết khấu bao nhiêu đại lý cũng phải chấp nhận và họ không có quyền lựa chọn nên đây là quy định phi thị trường. Nếu cho phép đại lý lấy từ quá nhiều nguồn cũng không tốt, nên cho phép lấy xăng dầu từ tối đa 3 nguồn thay vì chỉ phụ thuộc vào 1 nguồn để đại lý có thêm quyền lựa chọn.
Bàn về câu chuyện sửa quy định điều hành thị trường xăng dầu, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú nói thẳng, dù sửa đổi như thế nào cũng phải thay đổi cách vận hành trong chuỗi cung ứng, từ khâu nhập khẩu, sản xuất đến hệ thống bán buôn bán lẻ, để đảm bảo xăng dầu được vận hành theo thị trường nhưng có sự quản lý Nhà nước bởi 1 đầu mối là Bộ Công Thương. Trong đó, các đơn vị nhập khẩu, sản xuất, bán buôn, bán lẻ được tự chủ hạch toán kinh doanh “lời ăn lỗ chịu”. Mọi chị phí, chiết khấu sẽ do các bên thỏa thuận, mức dự trữ cũng sẽ do DN tự quyết định theo từng quý và tùy thuộc theo quy mô của mỗi DN.
Đối với chu kỳ điều hành giá, ông Phú góp ý giá bán lẻ nên được điều chỉnh theo thị trường từng ngày và hoàn toàn do DN quyết định. Người tiêu dùng có quyền lưa chọn cửa hàng bán giá rẻ, phục vụ tốt để mua xăng dầu. Bộ Công Thương có quy định trần giá trong trường hợp cần thiết và có trách nhiệm quản lý chất lượng hàng hóa lưu thông, chống buôn lậu.
“Bộ Công Thương tham mưu cho Chính phủ vay vốn đầu tư kho dự trữ xăng dầu quốc gia để đủ sức tham gia bình ổn thị trường khi cần thiết. Kho này sẽ do Bộ Công Thương quản lý được phép mua vào – bán ra và hạch toán lãi – lỗ như mô hình Tổng Công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). Nhà nước cũng nên xem xét bỏ Quỹ BOG bằng tiền, không quy định giá cơ sở cũng như lợi nhuận định mức. Ngoài ra, cần phải sửa Luật giá vì hiện nay Nhà nước định giá xăng dầu theo đề xuất của liên Bộ điều hành, không phải giá do DN tự quyết định./.